Ngày nay, tỷ lệ trẻ bị viêm da cơ địa từ lúc mới sinh ngày càng cao. Vậy viêm da cơ địa là gì? Nguyên nhân gây ra do đâu? Biểu hiện như thế nào? Và cách chăm sóc trẻ bị viêm da ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.
1. Viêm da cơ địa là gì?
- Đây là một hội chứng viêm da, gây ngứa ngáy, mụn mẩn đỏ li ti hoặc theo mảng lớn tùy tình trạng bệnh ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể kể cả vùng mặt.
- Bệnh này có tính chất di truyền, mãn tính và là bệnh viêm da tái phát, có liên quan mật thiết tới cơ địa của từng người.
- Bất kỳ ai đều có thể bị mắc hội chứng viêm da này. Đa số trường hợp là trẻ sơ sinh mắc bệnh từ ngay khi sinh ra. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và sau sinh cũng dễ bị mắc do thay đổi đề kháng và nội tiết tố.
- Trẻ sơ sinh mắc bệnh này có thể tự khỏi trước 2 tuổi nếu được chăm sóc tốt. Nhưng có những trường hợp phải chịu đựng suốt đời.
2. Nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa là gì?
Nguyên nhân chính xác gây nên viêm da cơ địa vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố có thể là nguyên nhân như:
- Do di truyền: Nếu cha mẹ bị viêm da cơ địa hoặc mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, thời tiết, đồ ăn, môi trường hoặc viêm mũi dị ứng, hen suyễn thì tỉ lệ con bị mắc bệnh cũng rất cao.
- Hệ thống miễn dịch: Do hệ thống miễn dịch bẩm sinh bị rối loạn gây ra những đánh giá nhầm các tác nhân ảnh hưởng đến cơ thể.
- Nguyên nhân khác: da quá khô và nhạy cảm. Môi trường và không khí bị ô nhiễm. Tiếp xúc với lông động vật, bụi bặm, khói thuốc lá. Dùng những đồ ăn dễ gây dị ứng như hải sản, đậu nành, trứng sữa…
3. Biểu hiện của bệnh?
- Vùng da xuất hiện những đám mụn mẩn li ti hoặc mảng đỏ sần lớn hay đóng vảy tiết, khô. Đó có thể chỉ là những mụn nhỏ hoặc là mụn nước có dịch hay đám da bị đỏ. Khi bệnh diễn biến nặng là mụn có mủ, vỡ ra và tiết dịch vàng.
- Người bị bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy và muốn gãi. Với trẻ nhỏ có thể gây mất ngủ, ngủ không ngon giấc do ngứa khó chịu.

4. Viêm da cơ địa có bị lây và nghiêm trọng không?
- Viêm da cơ địa hoàn toàn không bị lây và nếu ở mức độ thường thì không gây nguy hiểm mà chỉ gây khó chịu dẫn tới chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Với trẻ em thì khiến cho trẻ khó chịu ngủ không ngon, hay quấy khóc, mệt mỏi, chậm lớn.
- Nếu người bệnh gãi nhiều không đảm bảo vệ sinh thì có thể gây nhiễm trùng da, lở loét gây nên những bội nhiễm nghiêm trọng.
- Nếu điều trị sai, lạm dụng thuốc bôi chứa Corticoid sẽ gây teo da, ung thư da và ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể như gan, thận…
5. Cách chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa?
- Không tắm nước quá nóng, không dùng xà phòng, nên dùng các loại sữa tắm nhẹ nhàng, cấp ẩm chuyên dùng cho trẻ bị viêm da cơ địa. Nếu không có thể chỉ cần tắm nước không cũng được.
- Giữ gìn môi trường sống và cơ thể luôn sạch sẽ, mát mẻ, loại bỏ lông động vât, bụi bẩn và cung cấp độ ẩm cho phòng ở, không để không khí bị quá khô.
- Nên tránh sử dụng thức ăn dễ gây kích ứng và tránh tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng ngoài môi trường như phấn hoa, bụi, khói thuốc…
- Luôn dùng kem dưỡng ẩm lành tính đều đặn. Vệ sinh da sạch sẽ trước khi bôi. Ngày bôi ít nhất 3 lần, sau khi tắm 3 phút nên bôi ngay. Đảm bảo luôn để da đủ ẩm không được để da bị khô.
- Tuyệt đối không tự ý mua và dùng các thuốc bôi ngoài da bừa bãi. Trong trường hợp bị nhẹ thì chỉ nên dùng kem dưỡng ẩm. Nếu bệnh diễn biến nặng ảnh hưởng lớn đến trẻ thì phải đi gặp bác sỹ và điều trị theo đúng chỉ định của bác sỹ. Việc tự ý dùng các loại thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ có thể dẫn đến những tác hại nghiêm trọng cho trẻ.
- Bổ sung dinh dưỡng, rèn luyện thể thao, tăng cường sức đề kháng cho trẻ để cơ thể luôn khỏe mạnh, sinh ra các kháng thể tự nhiên chống lại tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Trả lời